Xuất khẩu ngày 9-11/9: Để sầu riêng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc; xuất khẩu thủy sản sang Nga bứt tốc ấn tượng

Published Date
14/09/2022

Baoquocte.vn. Để sầu riêng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc; xuất khẩu thủy sản sang Nga bứt tốc ấn tượng; cơ hội lớn cho gạo Việt Nam... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 9-11/9.

                                                                                                                                                                                                                         

Xuất khẩu ngày
Việc đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là vấn đề được đặt ra. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Để sầu riêng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc    

Chiều 12/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.   

Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên.    

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.                                                                                                

Tin liên quan
Xuất khẩu ngày 22-26/8: Tính   Xuất khẩu ngày 22-26/8: Tính 'đường dài' cho sầu riêng, chanh leo vào Trung Quốc; 'trái ngọt' từ CPTPP

   

Số lượng này có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và các cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt hoặc có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc, việc gian lận mã số vùng trồng cũng có thể xảy ra.    

Do đó, việc đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là vấn đề được đặt ra.    

Háo hức, vui mừng khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng đầy trăn trở với các ngành hàng nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng.    

Dẫn câu chuyện của một số ngành nông sản khác đó là vú sữa lò rèn Tiền Giang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Giờ vú sữa lò rèn không còn hoặc còn rất ít. Vậy, chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa lò rèn.    

"Làm sao để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia. Các nước này cũng đang nhìn chúng ta đang đi cùng nhau như thế nào để phát triển bền vững. Chúng ta muốn tạo ra nông sản đặc biệt, thì cần những con người đặc biệt trong hệ sinh thái, biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc", Bộ trưởng khẳng định.    

Bộ trưởng cũng đề nghị ngành Nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc ở nơi này, nơi kia.  

Xuất khẩu thủy sản sang Nga "đảo chiều", tăng tới 98% trong tháng 8/2022    

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2022, xuất thuỷ sản Việt Nam sang Nga đạt trên 94 triệu USD, giảm 20%. Do xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2/2022 khiến cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 bị đình trệ.   

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 đã giảm lần lượt 86% và 46%, vì vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã hồi phục dần dần và từ tháng 7, xuất khẩu đã đảo chiều, tăng 36% và tăng mạnh 98% trong tháng 8/2022.    

Phân tích về từng loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga, VASEP cho biết cá tra vẫn là mặt hàng đứng đầu trong thủy sản, chiếm 22% giá trị kim ngạch thuỷ sản sang thị trường Nga với gần 21 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra phile đông lạnh chiếm khoảng 75%, cá tra nguyên con chiếm khoảng 14%, cá tra cắt khúc chiếm 11%.    

Xuất khẩu tôm chân trắng, chả cá và surimi đều giảm sâu trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 16 triệu USD, chiếm 17%, xuất khẩu chả cá surimi đạt trên 12 triệu USD, chiếm 13%.    

Năm 2022 có thêm 6 doanh nghiệp Việt Nam được phía Nga cấp phép cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, nâng tổng số đơn vị được phép xuất khẩu thủy sản sang Nga là 54 doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm nay, có 39 doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga.    

Với nhiều tín hiệu khá tích cực, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga sẽ tiếp đà hồi phục trong những tháng cuối năm nay. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD.    Tôm nước ấm tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ    

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong đợt rà soát cuối kỳ lần thứ 3 về thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam.    

Theo đó, do không nhận được phản hồi từ các nhà sản xuất/xuất khẩu tôm nước ấm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành “rà soát nhanh” (expedited sunset review) trong vòng 120 ngày. Kết luận của rà soát cuối kỳ sẽ áp dụng cho toàn bộ ngành sản xuất mà không phải từng doanh nghiệp cụ thể.    

Thông thường DOC sẽ xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá khi: (1) biên độ phá giá duy trì ở trên mức tối thiểu sau khi lệnh áp thuế được ban hành; (2) ngừng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra sau khi lệnh áp thuế được ban hành; hoặc (3) không còn bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra giảm đáng kể.    

Ngược lại, DOC sẽ thường xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế không có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn bán bán phá nếu không còn hành vi bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu duy trì ổn định hoặc thậm chí gia tăng.

                                                                                                

Tin liên quan
Lô tôm đông lạnh đầu tiên   Lô tôm đông lạnh đầu tiên 'lên đường' đi EU theo EVFTA

    

DOC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 04 quốc gia trên sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi phá giá. Đối với Việt Nam, DOC dựa trên thuế suất toàn quốc để xác định bán phá giá có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn. Do đó, DOC sẽ duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm nhập khẩu từ 4 quốc gia trên.

    

Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm từ Việt Nam và một số quốc gia khác từ năm 2004 và bắt đầu áp dụng thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2005 với mức thuế từ 4,30% đến 25,76%.

    

Tháng 7/2016, DOC đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho 1 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện theo pháp luật Hoa Kỳ trên cơ sở vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Từ đó đến nay, DOC đã tiến hành cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2, 4 đợt rà soát hành chính tiếp theo (POR10, 11, 12, 13), hủy bỏ 02 đợt rà soát hành chính (POR14, 15) và đang tiến hành đợt rà soát POR16 cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 tới 31 tháng 01 năm 2022.

    

Đáng lưu ý, trong kết luận cuối cùng của đợt rà soát gần nhất (POR13), DOC đã xác định mức thuế chính thức cho 02 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ đều ở mức 0%. Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ.   

Từ năm 2014, Việt Nam luôn nằm trong top 03 nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản trên toàn thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng khoảng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm cao điểm của dịch Covid-19), trong đó xuất khẩu tôm đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.    

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan trong các vụ việc rà soát hành chính, rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nước ấm của Việt Nam trong thời gian tới.  

Ấn Độ áp thuế 20% với xuất khẩu gạo, cơ hội lớn cho gạo Việt Nam    

Ngày 8/9, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Việc quốc gia này hạn chế xuất khẩu sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.

                                                                                    

Xuất khẩu ngày
Xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng cả về sản lượng và giá trị. (Nguồn: Báo Công Thương)

    

Mức thuế mới này có thể khiến các nhà nhập khẩu "rời" Ấn Độ và chuyển hướng sang các đối thủ như Thái Lan, Việt Nam và những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tăng lượng xuất khẩu và tăng giá.    

Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar trên thị trường quốc tế. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số gạo của bốn nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.    

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, không chỉ Ấn Độ mà hiện nay nguồn cung gạo tại nhiều nước xuất khẩu gạo đang suy giảm. Do đó, việc áp thuế 20% với gạo xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.    

Thực tế, mới đây, Bộ Nông nghiệp Indonesia thông tin, sản lượng lúa 8 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 49,82 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với mục tiêu 54,89 triệu tấn cho năm 2022.    

Tương tự, Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư thế giới, dự báo sẽ mất khoảng 10% trong sản lượng lúa gạo ước tính khoảng 8,7 triệu tấn vào năm 2022. Trong báo cáo tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.    

Cùng với sản lượng giảm, tồn kho cuối kỳ trong niên vụ 2022-2023 được điều chỉnh giảm 4,2 triệu tấn xuống còn 178,5 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.    

Sản lượng giảm khiến giá gạo tại nhiều nước tăng cao. Do đó, để dự trữ và hạ nhiệt giá nội địa, nhiều quốc gia lên kế hoạch nhập khẩu gạo. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo qua các thị trường này trong thời gian tới.

Theo Vân Chi/Baoquocte.vn

https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-9-119-de-sau-rieng-viet-co-cho-dung-vung-chac-tai-thi-truong-trung-quoc-xuat-khau-thuy-san-sang-nga-but-toc-an-tuong-197902.html