Tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi, trú H.Sóc Sơn, Hà Nội) tìm được công việc tại một công ty nước ngoài kinh doanh hàng hóa tổng hợp với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Sau dịch Covid-19, tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi, công ty buộc phải đóng cửa chi nhánh tại Hà Nội, Tuấn và hàng chục đồng nghiệp khác thất nghiệp.
Tuấn cho biết thêm số tiền trợ cấp thất nghiệp chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, trong lúc chờ việc, Tuấn chấp nhận làm nhân viên pha chế tại một quán bar ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ban đêm với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Có được công việc ổn định, mức lương cao là mong muốn của hầu hết người trẻ, song thực tế lại không như kỳ vọng. Hà Thị Mai Hương (trú Lạng Sơn) cho hay: "Mình học kế toán, ra trường được gần 1 năm. Lương công ty trả cho mình chỉ 5 triệu đồng/tháng. Nhiều khi áp lực muốn bỏ việc, nhưng giờ nghỉ, tìm việc ở đâu mới khó. Mình đành chấp nhận cực một chút để học hỏi lấy kinh nghiệm, chờ qua năm sau tình hình kinh tế sáng sủa rồi tính tiếp".
Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội kết nối, phối hợp với 9 tỉnh, TP phía bắc tổ chức cuối tháng 7, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ 27,1%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, trung cấp, công nhân kỹ thuật áp đảo, chiếm 72,9%.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, nếu như trước đây, người lao động mong muốn tìm kiếm mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng là phổ biến, thì ở thời điểm hiện tại, mức lương được nhiều lao động tìm kiếm nhất là từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, tiếp theo là mức 5 - 7 triệu đồng/tháng.
"Chỉ tiêu với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường, người làm các công việc thời vụ… Mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng của đại bộ phận các vị trí việc làm như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng sẽ dành cho những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao", ông Thành thông tin.
Ghi nhận của Công ty Adecco Việt Nam - doanh nghiệp (DN) cung cấp giải pháp nhân sự, nhu cầu tuyển dụng từ phía DN trong 6 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội (Công ty Adecco Việt Nam), chia sẻ: "Bối cảnh nền kinh tế trong nước và trên thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến các DN đẩy mạnh tinh gọn cơ cấu nhân sự, tập trung tuyển dụng các vị trí thay thế hoặc áp dụng cách tiếp cận có chọn lọc hơn trong việc lấp đầy các vị trí trống; giảm tối đa việc tuyển mở rộng các vị trí mới".
Theo bà Phương, những vị trí tuyển mới chủ yếu thuộc những dự án đã được lên kế hoạch trong giai đoạn trước và đang trong tiến độ thực thi. Những xu hướng này đang xảy ra ở nhiều ngành công nghiệp, gây ra sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn cung nhân lực quá mức và nguồn cầu lao động hạn chế, dẫn đến thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh.
Theo Báo cáo khảo sát khó khăn DN và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), làn sóng sa thải người lao động có thể tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của DN. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 DN được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động đến hết năm 2023.
Dự đoán thị trường tuyển dụng và việc làm nửa cuối năm 2023, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng (Công ty Adecco Việt Nam), cho hay thị trường vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và chưa ghi nhận nhiều động thái tích cực từ phía các DN. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường việc làm như: công nghệ, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật số với nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng đối với các chuyên gia lành nghề.
Ông Vũ Quang Thành nhìn nhận người lao động nên cân nhắc "nhảy việc", chuyển việc trong bối cảnh thị trường lao động còn khó khăn. "Ai cũng muốn đi làm có công việc tốt, thu nhập tốt, nhưng trong bối cảnh này, chúng ta cũng nên chia sẻ khó khăn với DN. Chuyển việc chưa chắc đã tìm được công việc mới tốt hơn, lương cao hơn. Thay vào đó, chúng ta nên tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ… Trừ khi thu nhập giảm quá sâu, chế độ phúc lợi không tốt, người lao động mới nên tính đến chuyển việc", ông Thành nói.
Nêu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của DN về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các DN; đồng thời, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động...
Phân tích xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường trong quý 2, Bộ LĐ-TB-XH cho biết qua dữ liệu đăng tuyển dụng của DN và người lao động tìm việc làm, có hơn 20.100 lượt DN đăng tuyển dụng hơn 70.500 lao động; trong khi có đến 78.074 người tìm việc.
Phần lớn người tìm việc kỳ vọng mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 48%. Ngoài ra, có 29,9% người mong muốn nhận mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng. Người lao động tìm việc chủ yếu từ 20 đến gần 40 tuổi. Trong đó, hơn 40% người tìm việc từ 30 - 39 tuổi; 36,5% người từ 20 - 29 tu
Theo Thu Hằng[email protected]/Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/lao-dong-tre-chap-nhan-luong-thap-de-co-viec-lam-185230802124718913.htm