Khởi đầu một năm nhộn nhịp của ASEAN
Baoquocte.vn. Chia sẻ về Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta, Indonesia từ ngày 3-4/2, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN cho biết, Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu sẽ có nhiều đóng góp vào nội dung thảo luận với nhiều sáng kiến hợp tác.
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ diễn ra tại Jakarta, Indonesia từ ngày 3-4/2. Nhân dịp này, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN đã chia sẻ về ý nghĩa của kỳ hội nghị với những điểm nhấn nổi bật.
Xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này đối với chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2023?
Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối tháng Một hoặc đầu tháng Hai hàng năm, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ nhóm họp để khởi đầu cho một năm hoạt động của ASEAN. Bởi lẽ đó, theo tôi, Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN luôn có hai ý nghĩa rất quan trọng.
Trước hết, Hội nghị sẽ đề ra định hướng hoạt động của ASEAN trong cả năm 2023. Các nước sẽ bàn thảo và thống nhất các ưu tiên, trọng tâm hợp tác của ASEAN. Các ưu tiên này mang tính tiếp nối qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, xuất phát từ mong muốn và kỳ vọng của mỗi Chủ tịch, đồng thời phù hợp lợi ích và quan tâm chung của các nước và khu vực.
Thứ hai, Hội nghị tạo dựng cơ hội trao đổi chân thành và gần gũi giữa các nước. Đúng như tính chất của Hội nghị “hẹp”, thành phần dự họp của các nước chỉ gói gọn trong 1+2; phòng họp được bố trí đơn giản, không quá nhiều lễ nghi.
Trong không gian cởi mở và thân tình như vậy, các Bộ trưởng sẽ trao đổi một cách thẳng thắn, thực chất nhất tất cả những vấn đề đang đặt ra cho ASEAN cũng như những vấn đề mà các nước quan tâm. Chính qua những chia sẻ, đối thoại và tham vấn đó, mà chúng ta vẫn thường gọi tên “Phương cách ASEAN”, các nước sẽ hiểu nhau hơn, thu hẹp dần khác biệt, tăng dần những điểm đồng, tìm kiếm mẫu số chung cho hợp tác và hành động.
Đại sứ có thể điểm một số nội dung quan trọng được các Bộ trưởng Ngoại giao thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị cũng như sự tham gia của Việt Nam?
Theo thông lệ, chương trình nghị sự của các Bộ trưởng tập trung vào ba mảng nội dung chính là xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại và trao đổi tình hình quốc tế, khu vực. Nói một cách bình dân thì đây là những vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi” của ASEAN, nhưng nếu soi chiếu từ thực tế biến động khó lường hiện nay, những nội dung này luôn ẩn chứa những nội hàm mới mà chúng ta chưa biết và cần phải nói tiếp. Theo tôi, có ba điểm mà chúng ta cần lưu tâm.
Một là, triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã bước vào giai đoạn nước rút khi còn chưa đầy ba năm. Mặc dù kết quả triển khai đến nay khá tích cực, nhưng ASEAN thực sự cần “tăng tốc” để “về đích”. Các nước cần rà soát, thúc đẩy thực hiện đúng hạn và chất lượng các dòng hành động theo đúng lộ trình, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác và liên kết ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.
Hai là, trước những chuyển dịch mới trong hợp tác và liên kết kinh tế, điều quan trọng là ASEAN cần duy trì sự năng động, linh hoạt để nhanh chóng nắm bắt và thích ứng với các xu hướng thời đại. Cùng với củng cố liên kết kinh tế nội khối, ASEAN cần tận dụng và phát huy tối ưu các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phục hồi bao trùm, phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Ba là, trong bối cảnh cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, yêu cầu đặt ra cho ASEAN là duy trì đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm, phát huy giá trị chiến lược của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, kết nối hiệu quả các đối tác vào hợp tác khu vực, cùng giải quyết các thách thức chung.
Đồng thời, ASEAN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động, nguy cơ tiềm ẩn tại các điểm nóng, tiếp tục củng cố lập trường, phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Về phần Việt Nam, chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cho các hội nghị lần này cũng như cho hoạt động của ASEAN trong cả năm 2023. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu sẽ tham gia và đóng góp vào các nội dung thảo luận, chia sẻ thẳng thắn và thực chất quan điểm, lập trường của ta, đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến cụ thể để thúc đẩy hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo.
Chia sẻ về ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh rằng sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị ASEAN với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao. |
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về kết quả Hội nghị cũng như hoạt động của ASEAN trong năm nay?
Như tôi đã nói về mục đích của Hội nghị lần này là định hướng và xác lập trọng tâm, ưu tiên của ASEAN. Đây cũng là dịp để các nước tương tác, tìm ra giải pháp cho các vấn đề cùng quan tâm.
Do đó, thành công của Hội nghị lần này là tiền đề và động lực thúc đẩy hợp tác của ASEAN, đồng thời thể hiện quyết tâm và tinh thần tự cường của ASEAN trước mọi khó khăn, thách thức.
Chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” đã hé mở cho chúng ta thấy kỳ vọng và mong muốn của Chủ tịch Indonesia về một ASEAN trưởng thành trong gian khó, khẳng định vị thế ở khu vực và vươn tầm toàn cầu.
Với những gì ASEAN đã làm được trong hơn nửa thế kỷ qua, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để vững tin vào kỳ vọng này.
Đoàn kết, thống nhất, tương trợ, tự cường là sức mạnh nội sinh của ASEAN đã được thử thách qua thời gian, sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để viết tiếp những câu chuyện thành công của ASEAN, để thực sự định vị ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng.
https://baoquocte.vn/khoi-dau-mot-nam-nhon-nhip-cua-asean-215155.html
HÀ PHƯƠNG/Baoquocte.vn.