Hướng đi mới của ngành lúa gạo

Published Date
08/02/2022
Sau Tết Nhâm Dần 2022, nhiều nông dân ở ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui nhân lên bởi các giống lúa thơm được thương lái, doanh nghiệp đặt cọc mua với giá từ 6.500-8.500 đồng/kg, cao hơn lúa thường 20%-30%. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều nông dân đã ý thức liên kết sản xuất, tạo ra cánh đồng lớn cùng sản xuất một giống lúa để gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Các tổ liên kết, HTX sản xuất lúa thơm ở các địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh… đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Các HTX đã áp dụng sản xuất lúa thông minh, ứng dụng nhiều kỹ thuật trồng lúa đáp ứng xu thế mới, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thêm một tin vui trong những ngày đầu năm 2022 cho người trồng lúa ở ĐBSCL là Công ty CP Tập đoàn Tân Long vừa khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, quy mô tầm khu vực châu Á, với diện tích 161.000m2 tại huyện Tri Tôn (An Giang). Công suất sấy của nhà máy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Với công nghệ hiện đại và hệ thống khép kín như tiếp nhận, làm sạch, sấy và silo chứa lúa, xay xát…, Nhà máy gạo Hạnh Phúc là mơ ước của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam lâu nay.

Hướng đi mới của ngành lúa gạo ảnh 1
Nhà máy gạo Hạnh Phúc, quy mô tầm khu vực châu Á,  tại huyện Tri Tôn (An Giang)Đến dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Nền nông nghiệp Việt Nam liên tục xuất khẩu đạt giá trị cao qua các năm. Việc đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo quy mô lớn là việc làm có tầm nhìn chiến lược cho hạt gạo Việt Nam, đáp ứng cao nhất cho khu vực châu Á và thế giới. Vấn đề quan trọng là chủ động bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xem xét mở rộng hạn điền để áp dụng sản xuất lớn ở ĐBSCL”.

 Có thể nói, Nhà máy gạo Hạnh Phúc đặt ở vị trí khá chiến lược, tiếp cận 5 huyện trồng lúa là Tri Tôn và Thoại Sơn (An Giang); Giang Thành, Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang). An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất vùng ĐBSCL hiện nay với khoảng 200.000ha/tỉnh và sản lượng lúa của mỗi tỉnh đều trên 4 triệu tấn/năm. Đây cũng là 2 tỉnh có nhiều nông dân tích tụ đất ruộng sản xuất lúa vượt mức hạn điền lớn nhất trong vùng, nhất là nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có cuộc đối thoại thú vị với các “vua nông sản” Việt. Tại buổi đối thoại, kỹ sư Hồ Quang Cua (“cha đẻ” của dòng lúa thơm ST) đã có những tâm sự thẳng thắn về trăn trở hiện nay là cần có giải pháp để làm bật lên dòng gạo thơm như sản phẩm “sếu đầu đàn”. Với sự xuất hiện của Nhà máy gạo Hạnh Phúc đặt ở vùng trồng lúa nổi tiếng Tứ giác Long Xuyên xem như đã xuất hiện “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi liên kết trong ngành sản xuất và kinh doanh lúa ở ĐBSCL.

CAO PHONG/ SGGP