Hành trình tại Nam kỳ: Cư dân và cuộc sống thường nhật
Những quan tâm bé mọn đối với tự nhiên không ngăn tôi nghiên cứu một chủ đề quan trọng hơn nhiều, đó là dân chúng An Nam.
[...] Những gương mặt phẳng lì, thường không biểu cảm, những đôi mắt thâm xì và nhất là cái mũi tẹt và đôi môi dày vểnh lên, đỏ ối hoặc thâm đen vì trầu, không hợp chút nào với quan niệm về vẻ đẹp của ta.
Nhưng sau vài tháng ở đây người ta rốt cuộc cũng nhận thấy một nét riêng trên nhiều gương mặt An Nam và chọn ra những điểm dễ coi nhất […].
Dù sao đó cũng là một chủng tộc nhỏ bé. So với họ chúng ta quá cao lớn, sức của họ dĩ nhiên thua xa chúng ta; hoặc vì chất lượng vệ sinh rất tệ, hoặc vì nhược điểm tự nhiên, không ai trong số họ có thể sánh ngang một người Âu châu. Về nước da, những ai có nước da không quá sẫm màu thì lại trông nhợt nhạt. Người An Nam chỉ hơn ta hai điểm: khả năng chèo thuyền mười giờ liên tục, và chịu nắng rất giỏi.
Cuộc đô hộ của [người Pháp] chúng ta ở Nam kỳ đã kế thừa một cuộc thống trị nặng nề hơn và có thể tồi bại hơn của quan lại triều đình Huế… Tuy nhiên, ngoài những thói tật của những giống dân bị tước đoạt tự do, họ vẫn có các phẩm chất đáng hứa hẹn: vui vẻ tới mức trào lộng, khả năng học và hiểu tốt, và đặc biệt ở một số người, đó là niềm tự hào chủng tộc.
Trường Sư phạm Sài Gòn [Ecole Normale], nơi đào tạo các giáo viên và thông ngôn, trong vài năm tồn tại ngắn ngủi [đổi thành Trường Trung học Bản xứ (Collège Indigène)] của nó đã từng gặt hái kết quả rất đáng ngợi khen. Nói tóm lại, đây là một chủng tộc có thể đạt tới sự hoàn thiện. Bất chấp họ thiếu nhiều thứ, như là: cảm giác nghệ thuật chẳng hạn. Nhưng trong vài bức tranh tường, ta vẫn thấy một cảm giác nghệ thuật đáng nể, nơi thiên nhiên tươi vui và sống động - hoa lá, chim muông, côn trùng - được tái hiện bằng tình yêu; nhưng nhìn chung, chủng tộc này vô cảm với nghệ thuật; âm nhạc đơn điệu và chói tai của họ không dành cho đôi tai của chúng ta và tôi ngờ rằng tai của họ sẽ thích thú với âm nhạc của ta; điêu khắc gần như không được biết đến; thơ ca nghèo nàn; họ không biết khiêu vũ. Về những bộ môn khoa học mà họ theo đuổi, tốt hơn hết là đừng nói đến. Kiến thức văn học của họ chỉ quanh quẩn ở vài ba chữ Hán.
Đời sống của họ là đời sống thiếu thốn và mất vệ sinh nhất mà người ta có thể tưởng tượng: nước không lọc, uống nước múc từ kênh rạch lên, hầu như không được khử với chút phèn; nước pha trà lại càng hiếm hơn; cơm ăn với ớt cay, dưa leo và nước mắm, cá tươi hoặc khô, và vài thứ quả, đó là tất cả thức ăn ở khắp Nam kỳ; có thể họ không phải là một dân tộc ăn uống đơn điệu và giống như nhau khắp mọi nơi.
Thịt heo là một trong số các loại thịt họ thi thoảng dùng, nhưng đó là thứ thịt nguy hiểm vì thường xuyên chứa sán dây. Một loại rượu gạo thô, tên sam-chéou hay soum-choum [tức rượu trắng (saké), đây là loại rượu cất từ gạo lên men, phổ biến ở Trung Quốc và Đông Nam Á, giống như rượu sake ở Nhật Bản] như thường gọi ở thuộc địa, là thức uống có cồn duy nhất của họ; ngoài ra phải thừa nhận rằng họ không quá ham thích rượu. […]
Khi ăn, họ dùng đũa kiểu Trung Hoa, thứ mà xưa kia được gieo rắc quá nhiều ngụ ngôn và giờ đã bị bác bỏ gần hết.
Quần áo của họ, vốn chỉ bị vứt đi khi quá rách nát, không đủ che thân cho họ trong những đêm ẩm ướt trên kinh rạch hay trong những giờ sáng sớm của tháng chạp và tháng giêng, khi họ rét run cầm cập ở nhiệt độ 180C. Chính vì vậy, ngay ở tuổi đầu tiên, nhiều đứa trẻ đã chết vì viêm phế quản, và nhiều bệnh lý đường ruột không tìm thấy nguyên nhân nào khác.
Về nhà cửa, hầu hết là nhà sàn, một nửa ngâm trong nước, một nửa ở trên đất hoặc bùn, và cực kỳ nhớp nhúa.
Canh tác lúa và đánh bắt cá đã làm cho dân xứ này sống đời lưỡng cư. Nước thường dâng đến sàn nhà người An Nam, nhất là lúc triều cường, và khi đó ta thấy người bản địa ngồi chồm hổm trên bàn hoặc đung đưa trên chiếc võng thô kệch, hát một điệu buồn tẻ hoặc hút một điếu thuốc cuốn loe đầu.
Dáng đi của họ rất đặc trưng: đàn ông và phụ nữ khi bước hai bàn chân cách xa nhau, hướng ra ngoài và đánh hông thô thiển khiến cho cái tật ưỡn lưng càng lộ rõ, có lẽ vì thói quen đứng chèo thuyền.
Một vài tư thế và cách vận động của họ khá đặc biệt và đáng nhắc đến: trẻ con được mẹ mang, nhưng không phải trên tay như ở ta hay trong túi địu sau lưng như ở một số bộ lạc Phi châu mà cắp trên hông và ôm bằng một cánh tay.
Tư thế nghỉ ngơi của họ nhìn rất mệt mỏi: họ ngồi chồm hổm trên gót chân, nhưng không chạm đất; họ có thể ngồi tư thế đó rất lâu; và trên đường phố không hiếm gặp những người ngồi chồm hổm nhai trầu như thế.
Để leo lên cây, họ không dùng đầu gối hay thân cây mà họ nhảy lên một độ cao nhất định và dùng bàn tay, bàn chân chụp lấy cái cây, như những con khỉ. Cuối cùng, điều đặc biệt là họ không biết ôm hôn; người mẹ không hôn con, họ chỉ hửi chúng bằng mũi. Đây là một trong những nét đặc trưng làm cho người Âu mới đến phải kinh ngạc.
Còn về sự tách biệt của ngón chân cái, được coi là đặc điểm của chủng tộc, ngày nay chúng ta phải thừa nhận rằng đã phóng đại chi tiết này.
(còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ Voyages en Cochinchine của Albert Morice - Thư Nguyễn chuyển ngữ)
Theo Albert Morice/BáoThanh Niên
https://thanhnien.vn/hanh-trinh-tai-nam-ky-cu-dan-va-cuoc-song-thuong-nhat-185230905233022256.htm